- Lê Trung Hiếu nhận được suất học bổng trị giá 200.000 USD/4 năm ở ĐH Bates (Mỹ), một mức học bổng được xếp vào dạng "khủng" đối với du học sinh Việt Nam.
Sinh năm 1990, từng là học sinh chuyên Hóa của trường THPT Amsterdam Hà Nội, Lê Trung Hiếu đã đặt ra mục tiêu và quyết tâm thực hiện nó. Dưới đây là những sẻ chia của Hiếu về kinh nghiệm "săn" học bổng lớn từ nước Mỹ
Điểm số không phải là tất cả
- Chào Hiếu, bạn có thể cho biết từ lúc nào bạn có mong muốn sẽ đi du học?- Từ lúc mình còn học lớp 9 em đã có ước mơ đi du học. Nhưng chỉ khi bước vào lớp 11, mình mới thực sự quyết tâm và tìm hiểu kĩ con đường đi du học.
-
Tại sao bạn lại chọn mục tiêu là các trường ĐH Mỹ? - Ngay từ đầu mình đã xác định Mỹ sẽ là điểm đến cho 4 năm đại học của mình. Vì ở đó luôn nổi tiếng về sự năng động và sang tạo của sinh viên họ. Và mình luôn muốn được thử sức tại một môi trường như vậy. Đến khi tìm hiểu kĩ hơn thì càng thấy đại học Mỹ là một lựa chọn đúng đắn về nhiều mặt: sinh viên năng động, giáo sư hòa đồng, cách giảng dạy mới lạ, lớp học nhỏ và môi trường học tập rất thân thiện.
- Cảm giác của bạn khi biết tin mình được ĐH Bates cấp học bổng trị giá 50.000 USD/năm như thế nào?- Mình không biết diễn tả cảm xúc thực lúc đó thế nào. Lâng lâng, sung sướng…hehe. Mình nhớ lúc đọc được kết quả là 3h sáng, hôm đấy mình nhảy bật ra khỏi ghế rồi gọi hết bố mẹ dậy kể, rồi gọi cho cả bạn thân giữa lúc nửa đêm. Hôm đó quả thực là một đêm đáng nhớ.
- Điều gì khiến bạn thấy thú vị và quyết tâm trở thành sinh viên của ngôi trường này?- Bates luôn nổi tiếng về 2 ngành Kinh tế và Quan hệ Quốc tế, là 2 ngành mình định theo học. Nhưng quan trọng hơn, Bates có một cộng đồng rất thân thiện từ sinh viên đến giáo sư.
Mình vẫn ấn tượng ngay sau khi biết mình được nhận vào trường, thầy Bill Hiss, phó hiệu trưởng nhà trường đã viết một thư riêng rất xúc động về trường và những học sinh Việt Nam đã học tại trường. Mặc dù chưa đến trường nhưng mình đã cảm nhận được sự thân thiện và hòa đồng mà cộng đồng Bates sẽ dành cho mình trong 4 năm sắp tới. Cuối cùng là mình rất thích ăn tôm hùm, đặc sản tại trường.
- Bạn bật mí về kinh nghiệm làm hồ sơ du học nhé?- Mình nghĩ, kinh nghiệm của mình khi làm hồ sơ du học rất đơn giản. Như các cụ thường nói “biết người biết ta, trăm trận trăm thắng” và việc làm hồ sơ cũng vậy. Mỗi năm mỗi trường có hàng nghìn hồ sơ từ khắp nơi. Trong số đó cũng có rất nhiều bạn giỏi mà trường chỉ nhận một số ít học sinh. Vì vậy bạn phải biết làm nổi bật hồ sơ của mình, làm mình nổi trội lên trên hàng nghìn hồ sơ khác.
Có thể điểm số của bạn không hoàn mĩ như nhiều người khác, nhưng hãy gây ấn tượng với nhà tuyển sinh bởi những tài lẻ của mình như đánh đàn, hoạt động ngoại khóa, khả năng lãnh đạo…Với đại học ở Mỹ điểm số và thành tích học tập không phải tất cả.
- Còn các bài luận thì sao? Bạn đã chọn đề tài gì và triển khai chúng như thế nào để thuyết phục được người đọc?- Bài luận của mình là về những suy nghĩ của mình trong hôm hội thảo Chuyền Đuốc VietAbroader 2008 (hội thảo của các bạn sinh viên có mong muốn, đã và đang du học tại Mỹ). Mình nhớ lại 2 năm trước khi mình đến hội thảo du học này để nghe các anh chị chia sẻ kinh nghiệm, rồi 2 năm sau trở thành trưởng ban tổ chức. Trong 2 năm đó có nhiều kỉ niệm đã đi qua, và mình đã lớn lên rất nhiều, tự lập hơn, tự tin hơn…và quan trọng là quyết tâm du học vẫn cháy bỏng. Bài luần mình viết về sự trưởng thành của mình trong 2 năm đó.
- Bạn học thế nào để vừa có điểm số các môn học cao lại có trình độ tiếng Anh “siêu”?- Thực ra điểm số của mình không phải quá ghê gớm như nhiều bạn nghĩ. Cách học tiếng Anh của mình cũng không gò bó, hi vọng có thế giúp được các bạn. Mình không “cầy cuốc” nhiều mà thực hành nhiều. Mình luyện nói bằng cách tham dự câu lạc bộ tiếng anh SEAMAP, câu lạc bô hướng dẫn viên du học HelloHanoi. Luyện đọc và viết bằng cách đọc báo, truyện cười. Các bạn có thể lên American Center trong đại sứ quán, ở đó rất nhiều sách tiếng Anh bổ ích.
- Ngoài học tập ở trường thì bạn còn tham những hoạt động xã hội gì?- Như trên có nói mình có tham gia câu lạc bộ tiếng Anh SEAMAP ở 31 Cát Linh. Có tham gia trong ban lãnh đạo của tổ chức VietAbroader. Và có thành lập một câu lạc bộ là VAclub, tập trung hoạt động cho các bạn học sinh cấp 3.
Năm 2007 mình có tham gia tổ chức tuần lễ Văn Hóa Học Đường Hoa Kì Cho Sinh Viên không nói tiếng Anh. Đây là một tuần lễ giao lưu với sinh viên và học sinh Stanford. Năm ngoái thì mình có tổ chức hội thảo du học Chuyền Đuốc VietAbroader 2008. Mình hi vọng các bạn sẽ đến hội thảo 2009 năm nay.
- Sau khi đi du học bạn có còn tham gia nữa không? - Có chứ! Mình dự định trong 4 năm đại học vẫn sẽ đóng góp cho VietAbroader và mùa hè tới mình dự định làm một chương trình giao lưu sinh viên. Chi tiết xin phép sẽ tiết lộ sau.
- Quan điểm của bố mẹ bạn về quyết định đi du học của bạn?- Ban đầu bố mẹ mình phản đối lắm vì vẫn muốn con trai học tại Việt Nam, nhưng vì mình cũng quyết tâm giành được học bổng nên về sau bố mẹ cũng ủng hộ lắm.
Giấc mơ Mỹ không chỉ dành cho người giàu
- Nhiều bạn trẻ cho rằng đi du học, đặc biệt là đi Mỹ hay Anh thì chỉ những gia đình giàu có mới đi được, bạn nghĩ sao về điều này?- Mình tin rằng bây giờ cơ hội học bổng rất nhiều, nếu các bạn quyết tâm, luôn luôn có cơ hội cho bạn. Hãy đừng vì những suy nghĩ cổ hủ như vậy mà nhụt chí. Và mình cũng nghĩ những bạn được gia đình chu cấp đi du học cũng không phải là xấu hay không nên. Điều quan trọng là sau những năm tháng tại nước ngoài bạn thu được gì, học được gì và trưởng thành ra sao. Bước vào cảnh cửa đại học Hoa Kì là một việc nhưng phát triển hết mình tại đại học đó lại là một việc khác.
- Theo bạn, thì những teen ở tỉnh khác nên tiếp cận thông tin như thế nào và ở đâu để có cơ hội đi du học?- Bây giờ mình nghĩ internet đã phổ biến hơn. Các bạn có thể vào mạng và tìm kiếm thông tin du học. Có rất nhiều nguồn bạn có thể tham khảo. Đơn giản nhất bạn hày vào
www.vietabroader.org/vapedia để đọc các thông tin cơ bản về du học, rồi vào forum của để được chia sẻ những thông tin hữu ích về học bổng.
-
Đến thời điểm nào thì phù hợp cho việc các bạn ấy bắt đầu “chiến dịch” đi du học?- Mọi người thường khuyên là càng sớm càng tốt. Nhưng theo quan điểm của mình, bao giờ các bạn thấy tự tin vào học lực và khả năng tự lập của mình, thì hãy bắt tay vào “chiến dịch”. Vì với việc xin học bổng du học, bố mẹ không thể giúp được nhiều, các anh chị đi trước chỉ chia sẻ được kinh nghiệm chứ toàn bộ quá trình xin học bổng bạn đều phải quyết tâm tự thực hiện. Nhưng đừng vì khó khăn mà nản chí, có cố gắng sẽ có thành công, mình luôn tin là vậy.
- Tháng 8 này bạn sẽ bay sang Mỹ để nhập học, đến hiện tại thì bạn đã chuẩn bị đầy đủ mọi thứ chưa?- Cám ơn Zing đã hỏi thăm. Mình chuẩn bị cũng kha khá rồi. Giờ chỉ còn tạm biệt và chia tay bạn bè và người thân thôi.
-
Đi du học, bạn nghĩ là mình sẽ nhớ những gì ở Việt Nam?-
Mình chưa đi nên cũng khó nói, nhưng mình nghĩ mình sẽ rất rất nhớ tiếng Việt. Mình biết tiếng Anh và một chút tiếng Trung thì thấy rằng tiếng Việt chúng mình rất đặc biệt. Tiếng Việt tình cảm lắm, cùng một câu nhưng có thể nói với những sắc thái khác nhau. Và tiếng Việt có 6 thanh điệu, nói mà như là hát vậy, có lẽ vì thế Việt Nam mình có rất nhiều quán karaoke. Hơn nữa sang Mỹ học mình sẽ rất ít khi gặp người Việt Nam vì trường ở Mỹ cách nhau rất xa.
- Ngoài khoản học bổng được nhận, bạn có dự định đi làm thêm để có thu nhập và kinh nghiệm cho bản thân?- Mình có định làm thêm trong trường nhưng không nhiều, vì mình muốn đảm bảo việc học hành.
- Bật mí một số sở thích riêng của bạn nhé!
- Mình thích đọc báo, và nghiên cứu về văn hóa, và các sự kiện xã hội. Đặc biệt thích tổ chức các hoạt động giao lưu, các hội thảo, các buổi offline chia sẻ văn hóa Việt cho các bạn quốc tế. Mình cũng thích xem thể thao, đặc biệt là tennis mặc dù chưa có cơ hội thử sức thật trên sân đấu bao giờ.
Hội thảo VietAbroader “Chuyền đuốc” 2009
TP HCM: ngày 17/7, tại khách sạn Movenpick (253 Nguyễn Văn Trỗi, quận Phú Nhuận, TP HCM
Hà Nội: ngày 18/7, tại Trung tâm hội nghị Quốc tế, số 11 Lê Hồng Phong, Ba Đình.
VietAbroader Conference 2009 sẽ bao gồm 2 phần: hội thảo thông tin vào buổi sáng (hội thảo chính) và triễn lãm các trường đại học buổi chiều (vào cửa tự do).
Hội thảo không những là cầu thông tin hữu ích giúp các bạn trẻ tìm hiểu và chia sẻ kinh nghiệm về cách thức nộp đơn cũng như xin hỗ trợ tài chính (học bổng) tại các trường đại học hàng đầu Hoa Kỳ, mà bên cạnh đó còn chú trọng cung cấp thông tin hỗ trợ về các hướng du học khác như trao đổi văn hoá, cao đẳng cộng đồng, nộp đơn vào các trường trung học nội trú ở Mỹ.
Thủy Nguyên