"Với hoàn cảnh của tôi lúc này, tôi chỉ dám ước mơ... đừng có cái bàn chân này. Đơn giản chỉ có vậy". Đó là tâm sự của người đàn ông gần 40 tuổi, có một bàn chân to hơn cả thân mình.
Tại phường Thịnh Lang (TP Hòa Bình), Hạnh như nét vẽ bị lỗi trong một bức tranh phố phường đang trên đà phát triển. Nghèo khổ, đói rách, bệnh tật và phía trước là một màu xám xịt. Nhà Hạnh nghèo lắm, ngôi nhà được cất lên gần chục năm nay nhưng vẫn dở dang nham nhở vì không có tiền để hoàn thiện.
Trong nhà, ngoài hai chiếc giường cho hai mẹ con ngủ và chiếc ti vi cũ kỹ thì tài sản còn lại chỉ là mấy bộ đồ cũ treo nhếch nhác trên tường. Chỗ để tiếp khách chính là chiếc giường ọp ẹp của Hạnh.
Nhìn hình ảnh bà Phương, mẹ Hạnh đang ngồi trước bậu cửa nhìn ra với đôi mắt buồn vô định, trong góc nhà tối tăm ẩm thấp, Hạnh ngồi thu lu như cái xác không hồn ai cũng khó cầm lòng. Bà Phương lập gia đình năm 1970 và đến năm 1972 thì Hạnh chào đời.
Sau Hạnh, lần lượt là 5 người em nối tiếp nhau ra đời. Hai vợ chồng bà Phương sống bằng nghề nông và để nuôi được 6 đứa con là điều hết sức vất vả.
Từ năm lên một tuổi Hạnh đã có những dấu hiệu không bình thường. Bàn chân trái của Hạnh cứ thâm tím như bị vật gì đánh vào gây bầm dập. Hạnh chậm đi nhưng nhà nghèo nên bà Phương cũng chẳng có tiền để đưa con đi khám bệnh. Bà chỉ biết cầu mong ông trời run rủi lòng thương cho con bà đừng có mang trọng bệnh...
Mãi đến năm Hạnh 12 tuổi, bà nội thấy đứa cháu mình đi lại quá khó khăn nên đã đưa cháu đến bệnh viện tỉnh để khám. Tại đây, các bác sĩ kết luận Hạnh bị bệnh bẩm sinh không chữa được.
Cụ thể bẩm sinh thế nào gia đình bà Phương cũng không rõ. Không có tiền đưa con lên viện tuyến trên, bà Phương đành chấp nhận để Hạnh sống chung với cái chân to quá cỡ. Cứ mỗi lần Hạnh tỏ ý muốn đi dép, bà Phương lại nước mắt chảy vào trong...
Thật ra biểu hiện bệnh tình ban đầu của Hạnh không thật rõ ràng. Trên chân chỉ là những vết thâm đen và bàn chân trái to hơn so với bàn chân phải. Tuy nhiên, điều lạ lùng là bàn chân đó cứ lớn lên mỗi ngày và càng lớn bao nhiêu thì Hạnh càng khó đi lại bấy nhiêu.
Không thể đi lại bình thường nên Hạnh cũng chưa một ngày đến trường. Ngày ngày phải mang trên mình bàn chân khổng lồ khiến Hạnh đi lại rất khó khăn.
Chồng qua đời năm Hạnh 15 tuổi, một mình bà Phương phải nuôi đứa con tật nguyền và đàn con thơ dại. Bà Phương bảo, đến giờ bà cũng không dám nghĩ là cả nhà tồn tại đến hôm nay. Có những trận đói khủng khiếp mà cả nhà bà phải chịu đựng.
Nhìn những đứa con thơ khóc gào vì đói mà lòng bà quặn đau như có kim châm muối xát. Cũng kể từ ngày người chồng mệnh yểu bỏ bà và lũ con nhỏ mà đi, nhà bà luôn nằm trong diện nghèo phải sống bằng trợ cấp xã hội.
Chỉ mong không có bàn chân
Những ngày giáp hạt nhà bà Phương vẫn thiếu đói. Lúc này những đồng tiền trợ cấp khó khăn của Nhà nước trở thành nguồn sống duy nhất. Nhà bà Phương chỉ có hai sào ruộng.
Những năm mưa thuận gió hoà còn cho bà mấy tạ thóc còn không bà cũng chẳng có hạt nào. Năm vừa rồi không có nước tưới, ruộng không cấy được và thế là đã đói năm nay lại đói thêm...
Điều an ủi lớn nhất đối với bà Phương là Hạnh dù bị tật nguyền nhưng trí tuệ anh hoàn toàn bình thường. Không làm được việc nặng nhưng cơm nước và những việc vặt trong nhà anh làm tất. Chỉ khổ thân anh là bàn chân khổng lồ kia vẫn đang tiếp tục lớn dần lên mỗi ngày. Đặc biệt khoảng 5 năm trở lại đây nó lớn lên rất nhanh.
Trước đây thân hình anh bình thường nhưng nay do bàn chân quá nặng nên một nửa thân anh đã bị kéo lệch hẳn xuống về phía bên trái. Anh giờ đi khập khiễng rất rõ, vai đã một bên cao bên thấp. Bình thường nếu Hạnh không ngửa bàn chân lên chẳng ai biết anh cũng có bàn chân trái. Nhìn anh đi lại cứ như đi trên tảng thịt, tảng thịt đó kéo dài từ đầu gối đến hết bàn chân.
Riêng bàn chân nhỏ bé đã bị khối thịt khổng lồ nuốt chửng từ lâu lắm. Nói đến bàn chân mình anh Hạnh không giấu được sự lo lắng: "Nếu nó vẫn tiếp tục lớn, tôi sợ chỉ vài năm nữa tôi sẽ không thể tự đi được. Mẹ tôi đã già, các em tôi đều ở xa không biết lúc đó tôi sống kiểu gì".
Ngoài việc giúp đỡ mẹ những việc lặt vặt trong nhà thời gian rảnh rỗi, Hạnh chỉ còn biết ngồi gặm nhấm với nỗi đau tật nguyền. Trước đây khi chân chưa "khổng lồ" như bây giờ anh có thể tự đi bộ ra đường ngắm phố phường, bây giờ anh không thể đi đâu xa.
Ở TP Hoà Bình ai cũng biết đến Hạnh bởi đặc điểm là có bàn chân "khủng". Biết anh nghèo nên thấy anh ra phố mọi người đều cho anh tiền. Nhận được những đồng tiền đó anh cảm động lắm nhưng trong lòng anh cũng đau đớn đến bội phần.
Khi tôi hỏi ước mơ lớn nhất của anh lúc này là gì? Một tổ ấm gia đình, có vợ và những đứa con, Hạnh lắc đầu: "Chưa bao giờ tôi nghĩ đến điều đó. Đến chữa khỏi bệnh cũng chưa từng nghĩ đến.
Tôi chỉ mới nghĩ đến khỏi bệnh từ hôm xem trên ti vi thấy người ta phẫu thuật được bàn tay khổng lồ. Từ ngày đó tôi cho rằng rất có thể nếu tôi được phẫu thuật biết đâu cũng khỏi. Nói vậy nhưng tiền đâu ra. Người ta mong cho chân cứng đá mềm nhưng với hoàn cảnh của tôi lúc này tôi chỉ dám ước mơ... đừng có cái bàn chân này. Đơn giản chỉ có vậy".
Nhắc đến chuyện khám và chữa bệnh cho Hạnh, bà Phương lắc đầu: "Không chữa được đâu các anh ơi. Ngày xưa bác sĩ đã nói vậy mà". Tôi hiểu suy nghĩ của bà, có lẽ bà đã chấp nhận số phận. Cũng phải, bởi nhìn gia cảnh nhà bà bây giờ đến bát cơm đầy còn là mơ ước xa xôi nói gì đến chữa bệnh cho con. Chỉ khổ thân bà, tuổi mỗi ngày một già và sức càng ngày càng yếu.
Với Hạnh còn bi đát hơn trăm nghìn lần. Mấy năm nay do chân to quá những ngày thường anh có thể sống hoà thuận với nó, thế nhưng, gặp lúc trái gió trở trời, Hạnh ốm đau thì việc mang trên mình bàn chân "khủng bố" là một cực hình. Không ít lần trước đi ngủ bà Phương phải hỗ trợ Hạnh, hai mẹ con hợp sức để "bế" bàn chân lên giường.